Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu trở thành một trong những trung tâm logistic quan trọng của cả nước, lấy “Cao tốc Hà Nội – Lào Cai là trục kết nối, Cảng hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển”.
Tại Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra vào ngày 16/11 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai – ông Đặng Xuân Phong chia sẻ: Lào Cai có nhiều cơ hội, điều kiện để từng bước trở thành “Cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam – Trung Quốc”.
Theo ông Phong, sở dĩ như vậy vì Lào Cai là tỉnh nằm giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc, có vị trí chiến lược trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” và tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hóa từ thị trường Vân Nam – Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á, Đông Á và ngược lại.
Nằm ở “cửa ngõ” quốc gia, duy trì được mối quan hệ ngoại giao, láng giềng hữu hảo giữa hai bên biên giới, Lào Cai có lợi thế lâu dài để giữ vai trò đầu mối tin cậy, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các tỉnh trong vùng và vùng Tây Nam (Trung Quốc), là điểm trung chuyển hàng hoá quan trọng.
Vừa qua, khi Cảng Hàng không Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thì Lào Cai, cùng với đường cao tốc, 4 tuyến Quốc lộ, đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Hà Khẩu (Trung Quốc) được nâng cấp hiện đại, đường thủy trên sông Hồng thì tới đây địa phương sẽ có đầy đủ cả 4 loại hình giao thông để kết nối trực tiếp với thị trường trong nước và Quốc tế; mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới cho không chỉ Lào Cai mà cho toàn vùng phát triển.
Lào Cai cũng sở hữu điều kiện tự nhiên đa dạng, khí hậu ưu đãi để trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế, với Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đã được công nhận, và một địa danh Y Tý đầy tiềm năng, thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến mỗi năm.
Lào Cai còn có thế mạnh lâu dài về công nghiệp chế biến gắn với khai khoáng. Với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ; đặc biệt, trữ lượng quặng Apatit, đồng, sắt, đất hiếm của Lào Cai lớn nhất nhì cả nước, thậm chí khu vực, giữ vai trò chiến lược quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn quốc.
Ngoài ra, Lào Cai còn nổi tiếng với dãy núi Hoàng Liên, với đỉnh Fasipan hùng vĩ, giữ vai trò trung tâm đa dạng sinh học, nguồn sinh thuỷ của cả vùng.
Theo ông Phong, trước những thời cơ, thách thức và xu thế liên kết phát triển chung, Lào Cai đã và đang thực hiện, vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời, đã có những định hướng cụ thể để trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối của vùng và cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu trở thành một trong những trung tâm logistic quan trọng của cả nước, lấy “Cao tốc Hà Nội – Lào Cai là trục kết nối, Cảng hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển”, thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung qua Lào Cai dự kiến đạt 15 tỷ USD vào năm 2030.
Lào Cai cũng từng bước phấn đấu trở thành hạt nhân du lịch của vùng, bảo đảm đủ năng lực đón 15 triệu du khách vào năm 2030.
Về công nghiệp, Lào Cai cũng định hướng phát triển thiên về gia công chế tạo sản phẩm công nghệ, giá trị cao; gắn khai thác với chế biến sâu khoáng sản; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2030 vượt mức 100.000 tỷ đồng.
Giữ vị trí địa kinh tế, địa chính trị đặc biệt quan trọng, Lào Cai đã và đang tập trung nguồn lực để tạo đột phá về hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng số, tạo dựng mạng lưới liên hoàn, liên kết nội ngoại tỉnh, vùng, quốc gia, quốc tế, cả trong không gian thực và trên nền tảng số. Theo đà phát triển, Lào Cai cũng sẽ thúc đẩy hình thành trung tâm dịch vụ và tài chính của khu vực và quốc tế. Tương lai đến năm 2030, Lào Cai sẽ mở ra cơ hội thu hút, giải quyết việc làm cho thêm 300.000 – 500.000 lao động của vùng tham gia vào các lĩnh vực thế mạnh nói trên, gồm công nghiệp, logistic và thương mại – du lịch. Vai trò cầu nối kinh tế quốc tế, sứ mệnh “phên dậu” quốc gia cũng sẽ tiếp tục được củng cố vững chắc.
Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, ngoài những tiềm năng và điều kiện thuận lợi, Lào Cai đang gặp phải 2 khó khăn, thách thức lớn trên con đường phát triển: Một là khó khăn nội tại của địa phương, cũng chính là khó khăn cơ bản của các tỉnh trong vùng, khi quy mô dân số, quy mô nền kinh tế còn nhỏ; hoạt động sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực chưa gắn với chuỗi giá trị; công nghệ chậm đổi mới; năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; hoạt động xuất nhập khẩu chịu tác động lớn từ các biến động chính sách biên mậu của Trung Quốc; chi phí logistic vẫn thuộc nhóm cao trong khu vực… Hai là chưa có quy định cơ chế mang tính động lực cho sự phát triển trong liên kết vùng khi các chỉ số phát triển kinh tế – xã hội – con người của từng địa phương trong vùng chưa có sự gắn kết, chỉ thuần tuý là các phép thống kê số liệu; chưa thể hiện được dấu ấn, thành tựu phát triển của các tỉnh và cả vùng.
Để hiện thực hóa mục tiêu, ông Phong cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, cũng đề nghị trung ương xem xét, xác định vai trò, vị trí của Lào Cai phù hợp với tình hình mới, gắn với xây dựng Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam – Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết – phát triển vùng, bao gồm định hướng cụ thể về nhận thức chung, mục đích, nguyên tắc liên kết; quy hoạch không gian phát triển và xác định các lĩnh vực liên kết trọng tâm và đột phá để ưu tiên nguồn lực.
Với nhóm địa phương mang tính đặc thù, ông Phong đề nghị Trung ương cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, ưu tiên nguồn lực đầu tư kết nối giao thông vùng, ví dụ như sớm triển khai nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng khổ lồng 1.435mm; hệ thống cao tốc nối khu vực Hà Nội với các tỉnh trong vùng, trong đó ưu tiên nâng cấp mở rộng cao tốc Hà Nội – Lào Cai (đoạn Lào Cai – Yên Bái); đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối Hà Giang, Lai Châu với cao tốc Hà Nội – Lào Cai